Kinh Vô Ngã Tướng

Kinh Vô Ngã Tướng
(Anattalakkhana Sutta)

NHẬP ĐỀ

Kinh Vô Ngã Tướng là bản Kinh thứ hai do Phật thuyết giảng, sau Kinh Chuyển Pháp Luân.

Sau ngày Thành Ðạo dưới cội cây Bồ đề, tại Bồ đề đạo tràng, Ðức Phật Thích ca đi về miền Nam, đến xứ Ba la nại, tìm năm anh em ông Kiều Trần Như, để thuyết giảng Chánh Pháp cho họ nghe.

Tại vườn Lộc Uyển, Ngài giảng Kinh Chuyển Pháp Luân cho năm vị tu sĩ trước đây đã từng sống chung với Thái tử Tất đạt ta khi còn theo pháp tu Khổ hạnh. Trong bản Kinh Chuyển Pháp Luân, Ðức Phật đã chỉ rỏ con đường Trung Ðạo, trình bày cặn kẽ bốn Chơn lý Nhiệm mầu (Tứ Diệu Ðế) và con đường đưa tới Thánh quả, thoát khỏi cảnh Luân hồi và chứng đắc Niết Bàn, tức là Bát Chánh Ðạo. Sau thời pháp, ông Kiều Trần Như (Kondanna) chứng được quả vị Tu đà huờn.

Bốn vị tu sĩ kia là các ông Bà-sa-ba (Vappa), Bạt-đề (Bhaddiya), Ma-ha-nam (Mahanama) và Át-bệ (Assaji) vẫn chưa chứng quả. Ðức Phật liền lưu lại đây và giảng tiếp Kinh Vô Ngã Tướng, nhằm mục đích giúp cho bốn vị tu sĩ còn lại được bước vào giòng nước Thánh. Như thế, Kinh Vô Ngã Tướng chính là bản kinh thứ nhì trong Tam Tạng Kinh Ðiển vậy.

* * *

Kinh văn

1) Một thời Thế tôn ở Bàrànasi (Ba la nại) tại Isipatana (Chư Tiên đoạ xứ), vườn Lộc Uyển.

2) Ở đây, Thế tôn nói với đoàn năm vị Tỳ kheo: "Nầy các Tỳ kheo". - Thưa vâng, bạch Thế tôn." Các Tỳ kheo ấy vâng đáp Thế tôn. Thế tôn nói như sau:

3) - Sắc, nầy các Tỳ kheo, là vô ngã. Nầy các Tỳ kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế nầy! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế nầy!"

4) Và nầy các Tỳ kheo, vì sắc là vô ngã, do vậy, sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế nầy! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế nầy!"

5) Thọ, nầy các Tỳ kheo, là vô ngã. Nầy các Tỳ kheo, nếu thọ là ngã, thời thọ không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được thọ như sau: "Mong rằng thọ của tôi như thế nầy! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế nầy!"

6) Và nầy các Tỳ kheo, vì thọ là vô ngã, do vậy, thọ đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các thọ: "Mong rằng thọ của tôi như thế nầy! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế nầy!"

7) Tưởng là vô ngã...

8) Các hành là vô ngã, nầy các Tỳ kheo, nếu các hành là ngã, thời các hành không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được các hành như sau: "Mong rằng các hành của tôi như thế nầy! Mong rằng các hành của tôi chẳng phải như thế nầy!"

9) Và nầy các Tỳ kheo, vì các hành là vô ngã, do vậy, các hành đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các hành như sau: "Mong rằng các hành của tôi như thế nầy! Mong rằng các hành của tôi không phải như thế nầy!"

10) Thức là vô ngã, nầy các Tỳ kheo, nếu thức là ngã, thời thức không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể có được thức như sau: "Mong rằng thức của tôi như thế nầy! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế nầy!"

11) Và nầy các Tỳ kheo, vì thức là vô ngã, do vậy, thức đi đến bệnh hoạn, và không có thể có được thức: "Mong rằng thức của tôi như thế nầy! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế nầy!"

12) Nầy các Tỳ kheo, các ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

- Là vô thường, bạch Thế tôn.

- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

- Là khổ, bạch Thế tôn.

- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái nầy là của tôi, cái nầy là tôi, cái nầy là tự ngã của tôi?"

- Thưa không, bạch Thế tôn.

13 - 15) - Thọ... Tưởng... Các hành...

16) Thức là thường hay vô thường?

- Là vô thường, bạch Thế tôn.

- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

- Là khổ, bạch Thế tôn.

- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cắi nầy là của tôi, cái nầy là tôi, cái nầy là tự ngã của tôi?"

- Thưa không, bạch Thế tôn.

17) - Do vậy, nầy các Tỳ kheo, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí huệ như sau: "Cái nầy không phải của tôi, cái nầy không phải là tôi, cái nầy không phải là tự ngã của tôi."

18) Phàm thọ gì...

19) Phàm tưởng gì...

20) Phàm các hành gì...

21) Phàm thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chánh trí huệ như sau: "Cái nầy không phải của tôi, cái nầy không phải là tôi, cái nầy không phải là tự ngã của tôi."

22) Thấy vậy, nầy các Tỳ kheo, bực Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát." Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái nầy nữa."

23) Thế tôn thuyết như vậy. Nhóm năm vị Tỳ kheo hoan hỷ, tín thọ lời Thế tôn dạy. Trong khi lời dạy nầy được nói lên, tâm của nhóm năm vị Tỳ kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

(Ðại Tạng Việt Nam: Tương Ưng Bộ Kinh,Quyển 3, Phẩm Tham Luyến, VII, trang 125 129 - Tạng Pali: Samyutta Nikaya, S,iii, 66)

* * *

Ðại ý

Nhằm mục tiêu phá sự chấp ngã cứ tin tưởng sai lầm thân tâm nầy chính là Ta, Ðức Phật giảng Kinh Vô Ngã Tướng cho năm vị Tỳ kheo nghe, chỉ rõ cách quán sát như thật rằng thân tâm năm uẩn vốn chẳng phải là Ta, chẳng phải là của Ta, chẳng phải là Tự ngã của Ta.

Xin nhắc lại, trong Kinh Chuyển Pháp Luân, Ðức Phật dạy:

- Nơi Khổ đế: ...Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.

- Nơi Tập đế (nguyên nhơn gây ra đau khổ): ...chính là ái nầy đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ nầy chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.

- Nơi Diệt đế: ... chính là sự ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quẳng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước.

Trong Kinh Vô Ngã Tướng nầy, tiếp theo Kinh Chuyển Pháp Luân, Ðức Phật vạch rõ thêm:

- Nơi thân tâm năm uẩn nầy, sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vì đưa đến Khổ, Bịnh hoạn, nênchẳng phải là Ta.

Ðối với mỗi uẩn, Ta chẳng thể điều khiển chúng, khiến cho chúng theo ý muốn của Ta, nên năm thủ uẩn chẳng phải là Ta.

Năm uẩn là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, cho nên chúng chẳng phải là Ta.

Kinh Vô Ngã Tướng dạy: Khi đã quán sát đúng như thật rằng thân tâm năm uẩn chẳng phải là Ta, hành giả sanh ra nhàm chán (=yếm ly) đối với năm uẩn và do đó rời được sự tham áimà giải thoát khỏi các lậu hoặc.

Tóm lại, Kinh Vô Ngã Tướng bổ túc cho Kinh Chuyển Pháp Luân, vạch rõ đường lối phá bỏ sự cố chấp bám vào thân tâm năm uẩn nầy, lấy đó là cái Ta, cái Tự ngã, vốn chẳng có thật và là một tà kiến cần phải quét sạch khỏi tâm thanh tịnh.

* * *

Phân đoạn

Kinh văn ghi trong Ðại Tạng được chia ra làm 23 tiểu đoạn, mỗi tiểu đoạn có đánh số thứ tự. Nay xin sắp xếp các tiểu đoạn lại thành các mục chánh, như sau:

I.- Trường hợp nào Ðức Phật nói Kinh Vô Ngã Tướng: các tiểu đoạn 1) và 2)

II.- Năm uẩn là vô ngã:

a.- Sắc là vô ngã: các tiểu đoạn 3) và 4)
b.- Thọ là vô ngã: các tiểu đoạn 5) và 6)
c.- Tưởng là vô ngã: tiểu đoạn 7)
d.- Các hành là vô ngã: các tiểu đoạn 8) và 9)
e.- Thức là vô ngã: các tiểu đoạn 10) và 11)

III.- Năm uẩn là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại:

a.- Quán Sắc là vô thường,...: tiểu đoạn 12)
b.- Quán Thọ, Tưởng, các Hành là vô thường: các tiểu đoạn từ 13) đến 15)
c.- Quán Thức là vô thường : tiểu đoạn 16)

IV.- Quán niệm như thật mười một phương diện của năm thủ uẩn:

a.- Sắc: tiểu đoạn 17)
b.- Thọ, Tưởng, Các Hành: các tiểu đoạn 18), 19), 20)
c.- Thức : tiểu đoạn 21)

V.- Lý Vô Ngã đưa đến sự nhàm chán năm uẩn, dẫn đến sự ly tham và tiến tới giải thoát: tiểu đoạn 22)

VI.- Hiệu quả của bản Kinh: năm vị Tỳ kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc: tiểu đoạn 23).

* * *

Giải Nghĩa

Chiếu theo Kinh văn, xin lần lượt tìm hiểu Nghĩa các danh từ chuyên môn về Phật học.

Kinh Vô Ngã Tướng:

Kinh = bản văn ghi chép lại lời Ðức Phật hay các vị Bồ tát thuyết giảng về giáo lý cùng các đường lối tu tập. Tam tạng Kinh điển = ba giỏ Kinh, gồm có: (1) Luật tạng, ghi chép các điều giới luật do Ðức Phật đặt ra mà người tu hành phải tuân theo; (2) Kinh tạng, gồm có các bộ nhiều bản Kinh, Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh Tiểu Bộ Kinh: (3) Luận Tạng, gồm có Vi diệu pháp (A tỳ đạt ma) và các bản luận giải thích rõ thêm các điều chỉ dạy trong Kinh tạng.

Vô Ngã Tướng: Vô =chẳng có; Ngã = Ta; Tướng = hình tướng. Vô Ngã Tướng = chẳng có cái Ta, chẳng phải là Ta, chẳng phải là Tự Ngã của Ta. Nói cách giản dị cho dễ hiểu, Kinh nầy chứng tỏ rằng thân tâm con người chẳng phải là Ta; nơi thân tâm nầy chẳng có cái chi tinh túy, thường còn, bền chặt để gọi đó là cái Ta; trong thân tâm năm uẩn, chẳng có một uẩn nào đứng làm chủ tể để gọi đó là Ta cả.

Một thời, Thế tôn ở Bàrànasi...: Thông thường, mỗi bản Kinh đều mở đầu bằng câu: Tôi nghe như vầy (Như thị ngã văn), đó là lời Ngài A nan, thị giả của Ðức Phật Thích ca, đã nghe Kinh và nhắc lại. Vì bản Kinh nầy được nói vào lúc Ðức Phật vừa mới thành đạo, ngài A nan còn chưa đi tu, nên chẳng thấy ghi câu nói trên. Một thời, ở đây, căn cứ theo lịch sử Phật giáo, đó là vào khoảng đôi ba ngày sau khi Ðức Phật thuyết giảng Kinh Chuyển Pháp Luân vào đêm trăng tròn tháng Bảy, dương lịch.

Thế tôn: Thế = thế gian; tôn = tôn kính. Thế tôn là bực được cả thế gian, Trời và Người, đều tôn trọng. Ðây là một trong mười danh hiệu của Ðức Phật. Lúc Ngài còn tại thế, các đệ tử của Ngài gọi Ngài là Thế tôn, còn Ðức Phật, Ngài tự xưng là Như Lai.

Bàrànasi (Ba la nại): tên cũ của thành phố Varanasi, thuộc tiểu bang Utta Pradesh, Ấn độ, nằm bên bờ sông Hằng. Nơi đây có nhiều thánh tích Phật giáo.

Isipatana: vườn Chư Tiên đoạ xứ; tục truyền nơi đây xưa kia có nhiều vị Tiên bị đoạ đã tu hành đắc đạo.

Vườn Lộc Uyển: vườn nai; Lộc = con nai; Uyển = vườn hoa

Năm vị Tỳ kheo: Tỳ kheo = tu sĩ Phật giáo, âm chữ Pali là Bhikkhu, người xuất gia di tu, thọ 250 giới cấm. Năm vị Tỳ kheo nầy trước kia đã tu theo phép khổ hạnh cùng với Sa môn Cồ đàm (tên của Ðức Phật Thích ca khi chưa thành đạo). Ðó là các Ngài: Kiều trần như, Bà sa ba, Bạt đề, Ma ha nam và Át bệ.

Tiểu đoạn 1) và 2): Hai tiểu đoạn mở đầu bài Kinh cho biết trong trường hợp nào Ðức Phật đã thuyết giảng Kinh nầy. Theo giáo lý Ðại Thừa, tiểu đoạn 1) được gọi là thông tự có ghi lục chủng chứng tín: tín, văn, thời, chủ, xứ, chúng; ở Kinh nầy chỉ có 4 chứng tín: thời (Một thời),chủ (Thế tôn), xứ (Ba la nại, vườn Lộc uyển), chúng (năm vị Tỳ kheo); còn thiếu 2 chứng tín:tín và văn (Tôi nghe như vầy). Tiểu đoạn 2) được gọi là biệt tự.

[Thông tự là tựa chung cho mọi bản kinh. Biệt tự là tựa riêng cho một bản kinh. Lục chủng chứng tín là sáu loại bằng cớ chứng minh bản Kinh thật sự đã được Phật giảng, vào lúc nào, tại đâu, có ai tham dự nghe.]

Sắc = hình sắc, tức là hình thể và màu sắc. Nghĩa rộng của sắc là phần vật chất. Ở đây chữSắc lại có nghĩa là sắc thân, tức là tâm thân vật chất có đầy đủ các giác quan và bộ phận.

Vô ngã = chẳng phải là Ta.

"Mong rằng sắc của tôi là như thế nầy,... chẳng phải như thế nầy": Câu nầy hàm ý rằng: tôi muốn sắc của tôi chiều theo ý muốn của tôi mà trở nên như thế nầy,( phải tốt đẹp hơn); hoặc sắc của tôi phải theo lịnh của tôi mà chẳng trở nên như thế nầy, (đừng quá xấu xí như vầy).Nói cách khác, Sắc là vô ngã, chẳng phải là Ta, vì Sắc đâu có chịu làm theo ý muốn của Ta,đâu chịu cho Ta sai khiến nó, đâu tuân theo lịnh của Ta.

Thọ = cảm thọ, cảm giác, tức là sự hay biết nơi thân tâm có các cảm giác như nóng, lạnh, đau nhức, tê, sung sướng, khổ sở, hay đê mê, v.v... Phật học phân biệt ba loại cảm thọ: (1) khổ thọ(= cảm giác khó chịu), (2) lạc thọ (=cảm giác thoải mái, sung sướng) và (3) thọ vô ký (= cảm giác trung hoà, chẳng vui mà cũng chẳng khổ).

Tưởng = tư tưởng, tri giác, tức là những ý tưởng khởi lên trong tâm, nhơn có sự tiếp xúc giữa năm giác quan với cảnh vật bên ngoài, và giữa ý với ý căn bên trong tâm. Tưởng còn gọi làniệm: chánh niệm là ý niệm chơn chánh; còn vọng tưởng là ý niệm sai lầm.

Hành = hành động, tức là những việc làm xãy ra ở bên ngoài, bằng lời nói hoặc bằng động tác, và ở bên trong, bằng ý nghĩ. Ý nghĩ khởi sanh trong tâm, khiến cho tâm trở nên động, đó là tâm hành. Những hình thức chuyển động của tâm còn được gọi là tâm sở; có tất cả 52 tâm sở, vì thế nên trong Kinh nầy gọi là các hành (tiểu đoạn 8) ).

Thức = sự hay biết xãy ra trong tâm. Do sự tiếp xúc giữa con mắt (nhãn căn) với cảnh vật bên ngoài, xãy ra nhãn thức, nếu có sự chú tâm nhìn đến. Có 6 thức: nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức. Giáo lý Ðại thừa có thêm mạt na thức (còn gọi là truyền tống thức, thức thứ bảy nầy khiến ta chấp ngã ); và a lại da thức (còn gọi là tàng thức, nơi lưu trữ các chủng tử thiện và ác đã gây ra trong quá khứ).

Các tiểu đoạn từ 3) đến 11) xét đến năm thủ uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.

Thủ uẩn = còn gọi là ấm. Thủ = bám chặt vào; uẩn = tập hợp lại thành nhóm, có tánh cách che mờ.

Vì con người cứ bám vào năm thủ uẩn, cho đó là Ta, nên Ðức Phật trong các tiểu đoạn vừa qua chứng minh cho ta thấy, chẳng có uẩn nào là của Ta, là Ta, là tự ngã của Ta cả.

Tự ngã: Tự = chính mình; Ngã = Ta. Chữ tự ngã ám chỉ phần tinh túy, cốt lõi ở tận bên trong còn lại sau khi đã bỏ các phần phụ thuộc đi, mới gọi đấy là cái Ta thật sự.

Trong câu "... chẳng phải là CỦA TA, chẳng phải là TA, chẳng phải là TỰ NGÃ của TA" , nên nhận rõ sự tiệm tiến (gia tăng dần dần thêm lên) trong ý niệm: từ của Ta (= Ngã sở), là vật, hay việc ở bên ngoài Ta, đến ngay trên chính thân Ta (= Ngã), cho chí đến phần tinh túy, cốt lõi bên trong Ta (= Tự Ngã của Ta). Nói cách khác, (1) là của Ta, thì còn bên ngoài Ta, (2) là Ta, thì đang ở trên thân Ta, (3) là Tự ngã của Ta, thì đã đến phần cốt lõi là Ta rồi; nếu bỏ cáiTự ngã của Ta đithì chẳng còn gì hết ráo để có thể gọi được đó là Ta nữa.

Vô thường: Vô = chẳng có; Thường = thường còn, có đó hoài hoài. Vô thường là bị biến đổi, chẳng hằng còn; nay có đó, mai lại mất đi.

Khổ = đau khổ, chẳng được thoải mái, bất toại nguyện hay là chẳng được vừa ý vì gây ra khó chịu.

Lạc = vui.

Biến hoại: Biến = thay đổi, chẳng giữ nguyên hình thể và bản chất; Hoại = hư hoại, bị tiêu diệt mất. Biến hoại là sự thay đổi đi đến sự tàn tạ và sự huỷ diệt.

Quán = quan sát kỹ lưỡng và tường tận, dùng trí huệ soi chiếu để tiến gần đến chơn lý.

Các tiểu đoạn từ 12) đến 16) chứng minh rằng năm uẩn là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại,cho nên phải quán chúng (năm uẩn) chẳng phải là của Ta, là Ta, là Tự ngã của Ta.

Quá khứ = thời gian đã qua. Quá = đã qua; Khứ = đi.

Vị lai = thời gian sắp đến. Vị = chưa; Lai = đến.

Hiện tại = thời gian ngay trong lúc đang nói. Hiện = trước mặt đây; Tại = ở nơi nầy đây.

Nội = bên trong; Ngoại = bên ngoài.

Thô = thô sơ, vụng về; Tế = tế nhị, khéo léo.

Liệt = hạ liệt, dở, xấu, thua kém;Thắng = ưu thắng, tốt, hơn.

Như thật quán: quán đúng theo sự thật là như thế. Như thật quán tức là vừa quán sát vừa suy gẫm theo đúng như sự thật.

Chánh trí huệ = trí thông minh chơn chánh, tức là trí hiểu biết đúng đắn, sáng suốt, theo sát với chánh đạo và chơn lý.

Các tiểu đoạn từ 17) đến 21) xét về mười một phương diện của mỗi uẩn, quán sát chúng thật kỹ lưỡng đúng như sự thật và đi đến kết luận năm uẩn chẳng phải là của Ta, là Ta, là Tự ngã của Ta.

Ða văn Thánh đệ tử: người đệ tử (= học trò) của bực Thánh, biết nghe nhiều. Ða = nhiều; Văn = nghe; Thánh = bực tu hành đã giải thoát khỏi vòng sanh tử; Ðệ = em; Tử = con.

Yếm ly: Yếm = chán ghét; Ly = lià xa. Khi nói "người đó có vẻ yếm thế quá!", ta muốn nói, đó là người chán đời, hay bi quan. Ở đây, yếm ly chỉ đến tâm trạng của người tu hành thấy thân tâm nầy gây đau khổ, bịnh hoạn cho ta, nên trong tâm khởi lên sự nhàm chán đối với thân tâm, chẳng còn tìm cầu các thú vui vật chất cho thân tâm nữa.

Ly tham: Ly = lià xa; Tham = ham muốn quá lắm. Người ly tham là người dứt bỏ được các dục vọng (= các ham muốn), dẹp được sự bám níu vào các thú vui vật chất cho thân tâm.Tham là một món độc, trong tam độc: tham, sân, si. (= ba mối độc lớn là tham, giận và si mê.)

Giải thoát: Giải = cởi mở khỏi chỗ bị ràng buôc; Thoát = vượt khỏi chỗ khổ sở. Giải thoát, ở đây, chỉ sự vượt khỏi các cuộc sanh tử khổ đau của cảnh tái sanh Luân hồi. (Luân hồi: Luân =bánh xe; Hồi = trở lại; Luân hồi là cảnh sanh ra, lớn lên rồi chết, để lại sanh ra, rồi chết nữa, cứ quay vòng vòng mãi chẳng ngừng.)

Sanh đã tận: chấm dứt sự tái sanh (= sanh trở lại.) (Tận = dứt, hết.)

Phạm hạnh: Hạnh tu thanh tịnh giữ tròn không dâm dục. Phạm, tiếng Pali là Brahma, là cõi Trời Sắc giới, chúng sanh trên đó chẳng còn lòng dục, sắc thân đẹp đẽ và thọ mạng rất lâu dài. (Chúng ta đang sống trong cõi Dục giới, thấp hơn).

Những việc nên làm đã làm: đây tức là việc giải thoát khỏi mọi lậu hoặc (=sự thiếu sót, sai lầm hay phiền não) và sự chấm dứt cuộc tái sanh trong cõi Luân hồi.

Không còn trở lui trạng thái nầy nữa: tức là chẳng còn trong tình trạng phải tái sanh trong vòng Luân Hồi. Có thể hiểu trạng thái nầy là trạng thái bất thoái chuyển, nghĩa là chẳng hề lùi sụt trở lại nữa.

Tiểu đoạn 22) nêu rõ hiệu lực của Lý Vô Ngã: hành giả đã thông đạt Lý Vô ngã, thì trở nên yếm ly đối với thân tâm năm uẩn, lià xa tham ái và trở nên giải thoát.

Thuyết = nói.

Hoan hỷ = vui mừng.

Tín thọ: Tín = tin tưởng; Thọ = nghe nhận lời dạy.

Lậu hoặc: Lậu = rỉ chảy; Hoặc = điều sai lầm, thiếu sót. Lậu hoặc tức là các phiền não bên trong tâm, rỉ chảy ra ngoài bằng thái độ hay hành động. Ba lậu hoặc chánh là tham, sân, si.

Chấp thủ: Chấp = nắm giữ; Thủ = nắm trong tay. Chấp thủ là bám níu khư khư, cố giữ lấy thật chặt chịa, chẳng hề chịu tháo gỡ hay cởi mở ra.

Tiểu đoạn 23) kết thúc bản Kinh Vô Ngã Tướng, nói lên hiệu lực của Kinh là khiến cho tâm của năm vị Tỳ kheo được giải thoát khỏi mọi lậu hoặc và từ bỏ sự chấp thủ.

* * *

Xuất xứ

Bản Kinh trên đây được trích từ Ðại Tạng Việt Nam, thuộc Tương Ưng Bộ Kinh, Quyển 3, Phẩm thứ Bảy: Tham luyến, các trang từ 125 đến 129.

Bản Kinh nầy do Hoà Thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh Sàigòn dịch. Kinh đã được kết tập trong Tạng Pali, bộ Samyutta Nikaya, quyển III, bản kinh số 66.

 



Nội dung khác